CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU
Ý TƯỞNG KHAI SINH
Một trong những ưu tư của tôi khi làm việc bác ái là tự tạo ra nguồn kính phí. Cơ hội này đã đến với tôi trong một bữa ăn mừng lễ Chúa Giáng sinh, vào ngày 24/12/2017, khi gặp một thành viên Hội Doanh nhân Công giáo tên Lợi. Biết gia đình anh có nguồn nước sạch (làm Rau câu), tôi ngỏ ý xin nước đóng chai để cho người nghèo tại quán Cơm Samari. Anh rất sẵn lòng ủng hộ.
Nhưng nghĩ lại, tôi thấy phương cách này không bền vững, bởi vấn đề an toàn thực phẩm. Thế là trong tôi loé lên ý tưởng làm nước uống bán để giúp người khó khăn, với phương châm: “Lấy lời làm bác ái” – “Nước Samari chảy đến đâu, tình yêu thương lan toả đến đó”. Từ đó trên đất Cảng Hải Phòng đã xuất hiện sản phẩm nước uống tinh khiết với thương hiệu Samari.
THƯƠNG HIỆU SAMARI
Lấy tên gì mà đặt cho dòng sản phẩm nước sắp ra đời? Tôi đang băn khoăn không biết có nên đặt là “Nước Thân cận” không? Bởi Hội bác ái tôi đang đồng có tên là thế và quán Cơm từ thiện bán với giá 5 ngàn đồng ở nhà thờ An Tân cũng cùng tên này. Tên này cũng rất ý nghĩa và đồng thời quy các hoạt về một mối, có một trọng tâm.
Tên gọi này hay và cũng được nhiều người biết đến. Cũng với mục đích đó, việc lấy tên này đặt cho dòng nước mới cũng không phải không có lý! Rồi một lần kia, trên đường đi, tôi nói với người đệ của mình, lấy tên là Nước Thân cận hay Nước Samari? Như trực giác soi sáng từ trên, một giọng nói quen thuộc nhưng quyết đoán vâng lên: Lấy tên Samari, nghe tây hơn. Tôi thấy cũng thật hữu lý, trong lúc lưỡng lự phân vân, thì được tiếp thêm sức mạnh, nên quyết định lấy tên Samari gọi cho dòng nước mới sắp ra đời.
Sau đó các hoạt động liên quan cũng đổi sang tên này: Hội Samari, Cơm Samari, Hành trình bác ái Samari. Càng ngày tôi càng thấy sự lựa chọn này ưu việt, bởi Samari không chỉ nghe tây tây, mà còn là nguồn cảm hứng vô tận để Công ty vươn lên trong lúc khó khăn và tích cực lan toả nét đẹp từ bi cho đời mà chính tên gọi là muốn diễn tả.
Đó cũng là lý do Samari có được những đối tác lớn và uy tín hàng đầu ở Hải Phòng, như Bridgestone, Bệnh viên Vinmex, Công ty sản xuất Ôtô Vinfast… Hướng tới tương lai, thương hiệu Nước Samari không chỉ lan toả rộng khắp hơn, mà còn là thương hiệu nước uống được người tiêu dùng ưa thích.
SAMARI – MỘT TRIẾT LÝ SỐNG
Tên gọi Samari được gợi hứng từ dụ ngôn “Người Samari nhân hậu” (Lc 10, 29-37). Người Samari đã chạnh lòng thương cứu giúp kẻ gặp nạn trên đường trong khi đó thày tư tế và tư tế đều bỏ đi. Câu chuyện tình người vô biên này nổi tiếng đến nỗi trong văn hoá phương Tây, thuật ngữ “Người Samari” biểu trưng cho “người giàu lòng nhân ái”, Luật “Người Samari” được thiết lập để miễn thuế cho các khoản tiền làm từ thiện.
Đối những ai có đức tin, người Samari chính là hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng cúi xuống để băng bó vết thương của nhân loại tội lỗi và đưa vào quán trọ là Hội Thánh, rồi hẹn ngày trở lại đem họ vào hạnh phúc Nước Trời.
Tên gọi Samari, như thế, chính là tên gọi của tình yêu thương, lòng nhân ái. Bởi đó mà Samari hướng theo phương châm: “Nước Samari” – “Nguồn sống từ bi”.
Samari không chỉ cho thấy lý do Thương hiệu nước Samari ra đời, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai sống và làm việc nơi Samari. Triết lý sống Samari cũng là sự cuốn hút khó cưỡng lại với những ai đã từng nghe biết hoặc một lần dùng sản phẩm nước uống Samari.
SLOGAN – “NƯỚC SAMARI”
“NGUỒN SỐNG TỪ BI”
Samari không chỉ là tên gọi của sản phẩm nước, mà còn hướng đến như một dòng chảy của tình nhân ái, như phương châm (Slogan): “Nguồn sống từ bi”. Nước khơi nguồn sự sống, với Samari là nguồn sống “Từ bi”, tức là khởi đi từ “cái Tâm”. Điều này nhắc nhở người Samari phải sống và làm việc với “cái Tâm” – “cái Tâm” cho công việc, cho khách hàng, và sau cùng là cho những mảnh đời khó khăn qua việc lấy lợi nhuận chia sẻ với họ.
Đó cũng là lý do Công ty Samari đi theo con đường với 8 chữ T, tạm gọi là triết lý 8T: “Thuận Thiên Tất Thành, Từ Tâm Tất Thịnh”. Triết lý được thể hiện qua tiêu chí kinh doanh: “Không an toàn, không được sản xuất; Không chất lượng, không ra thị trường”.
NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ THUỞ BAN ĐẦU
Ý tưởng đó tôi ngỏ lời với mấy anh em thân quen thì liền nhận được sự hưởng ứng. Nhưng cái khó là lấy đâu kinh phí để thực hiện khi mình cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài việc viết thư ngỏ gửi đến một số người thân hữu. Ngoài phần quyên góp ủng hộ, tôi cũng mạnh dạn hỏi vay không lãi với những người anh em và bạn hữu. Thế là tôi cũng đã có một chút vốn liếng để khởi nghiệp.
Bước tiếp theo là tìm đâu để lấy địa điểm để xây dựng cơ sở. Tôi đã tìm vài nơi nhưng không được ưng ý và có nơi đã đặt cọc tiền cũng đành chịu mất vì thấy tương lai mịt mù. May thay người đi tìm giúp mua đất không được nên về lấy đất mình bán cho tôi.
Khi đã có đất, tôi và một vài bạn hữu liền bắt tay vào việc xây dựng. Chẳng biết tương lai sẽ rao sao nhưng ai nấy đều hào hứng. Thế là xưởng nước nhanh chóng được hình thành. Sau một thời ngắn sau thấy không gian quá hẹp so với quy mô đầu tư, chúng tôi đã tìn kiếm và mua thêm lô bên cạnh như hiện tại. Điều này như một giấc mơ vì hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của chúng tôi. Với người có đức tin như tôi thì đây quả là việc Chúa làm, mà tôi đây chỉ biết dâng lời cảm tạ.
ƯU TIÊN CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI
Công ty Samari đã làm tất cả những gì tốt nhất để có sản phẩm chất lượng tốt nhất đến tận tay người tiêu dùng. Đây chính là lý do Công ty Samari đã đầu tư cơ sở vật chất và hệ thống máy móc theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay tại đất Hải Phòng. Các khâu sản xuất nước uống dường như trong một hệ thống tự động khép kín. Nước sau khi tinh lọc sẽ được đưa đến dây chuyền chiết rót bình và chai. Công nghệ tiến tiến không chỉ đem lại sản phẩm chất lượng, mà còn có ưu thế cung cấp sản lượng lớn ra thị trường. Các sản phẩm của Samari đều đạt tiêu chuẩn “Hệ thống Quản lý An toàn thực phẩm” theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018, do tổ chức VCA chứng nhận.
Thương hiệu Samari được biết đến không chỉ ở cái “Tầm”, chuyển từ cơ sở kinh doanh sang Công ty, từ dây chuyền thủ công sang máy móc hiện tại, mà chủ yếu ở cái “Tâm” – “Từ bi”. Chính giá trị cốt lõi này – Nét độc đáo và ưu việt – mà Samari đã nhanh chóng chiếm được thiện cảm của khách hàng và trở thành một trong số những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất nước uống tại thành phố Cảnh.
NƯỚC SAMARI – ĐI LÊN KHÔNG NGỪNG
Để khẳng định thương hiệu của mình, Samari đã không gặp ít những khó khăn trong bước đường xây dựng nền tảng cho mình. Tuy nhiên, dù đối diện với bao nghịch cảnh, những người khởi xướng và những người đồng hành luôn mang trong mình tâm niệm: “Ở hiền sẽ gặp lành” hay “Gieo nhân thiện sẽ gặt quả thiện” như tiền nhân truyền dạy, đặc biệt với niềm xác tín việc thiện sẽ được Chúa chúc lành và như lời thánh Phaolô quả quyết: “Khi làm việc thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng” (Gl 6,9) hay chính lời Đức Giêsu phán: “Ai cho đi, sẽ được cho lại” (Lc 6,38).
Sự thăng tiến của Công ty và sức lan toả của thương hiệu Samari đang minh chứng chân lý đó. Vẫn biết rằng bước đường tương lai đầy rẫy gian nan thử thách, nhưng trải nghiệm những bước trầm nhiều thăng ít, cho đến ngày hôm nay đang vươn mình đứng vững. Nhờ đó đưa đến niềm hy vọng thương hiệu Samari sẽ ngày càng âm vang toả lan, Nước Samari – “Nguồn sống từ bi” sẽ “Đi lên không ngừng”.
Jos. Vang Samari – Chủ tịch HĐQT
* Dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37) – Câu chuyện gợi hứng cho tên gọi Samari
“29 Bấy giờ có người thông luật thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “ 30 Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”.